Táo bón là tình trạng bất kỳ ai cũng có thể mắc phải, và gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống thậm chí gây nguy hiểm cho người bệnh nếu không được điều trị phù hợp. Vậy táo bón là gì, nguyên nhân và cách điều trị như thế nào, hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Táo bón là gì?
Táo bón là một dạng rối loạn đường tiêu hóa, dẫn đến tình trạng đi phân không đều, phân khó đi kèm với cảm giác đau và cứng. Táo bón cấp tính có thể gây tắc ruột, thậm chí có thể phải phẫu thuật. Từ trước đến nay, có rất nhiều định nghĩa về táo bón khác nhau, nhưng thông thường ở người lớn, là việc không đi đại tiện quá 3 ngày; ở trẻ em, một tuần không thể đi đại tiện 3 lần thì được coi là táo bón. Trong việc chẩn đoán lâm sàng, bác sĩ thường chia táo bón thành 2 nhóm, đó là táo bón nguyên phát và táo bón thứ phát – ThS.BS Nguyễn Văn Hậu (Trung tâm Nội soi & Phẫu thuật nội soi tiêu hóa - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh) cho biết.
Táo bón phổ biến nhất trong các bệnh lý về đường tiêu hóa trên thế giới với tỷ lệ 17% dân số toàn cầu, trong đó, chỉ 12% số người tự xác định được bệnh. Táo bón xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến hơn ở những người trên 65 tuổi với tỷ lệ 30-40%. Phụ nữ có tỷ lệ mắc táo bón cao gấp 3 lần nam giới. Táo bón cũng thường xảy ra ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai.
Biến chứng nguy hiểm của táo bón
Nếu tình trạng táo bón không được điều trị một cách phù hợp, có thể sẽ dẫn đến một số các biến chứng:
- Hình thành búi trĩ, sa búi trĩ do phải rặn nhiều, làm tăng kích thước búi trĩ, thậm chí có xuất hiện máu khi đi ngoài.
- Nứt hậu môn: Do phân cứng và người bệnh cần phải rặn mạnh mới có thể đẩy phân ra ngoài
- Tắc ruột, viêm ruột: do những khối phân rắn bị ứ đọng lâu ngày trong đại tràng không được đào thải
- Ung thư hậu môn – trực tràng: Táo bón khiến phân trở nên khô cứng, chứa nhiều độc tố và các chất có khả năng gây ung thư như deoxycholic acid, lithocholic acid và các phức hợp nitroso (NOCs). Nếu bị táo bón kéo dài khiến thời gian tiếp xúc của phân trong niêm mạc trực tràng tăng lên dẫn đến viêm, tổn thương thực thể. Lâu dần hình thành bệnh ung thư.
- Giảm sức đề kháng: Do ảnh hưởng đến khả năng tiêu hóa, người dễ mệt mỏi, chán ăn khiến khả năng đề kháng bị suy giảm.
Cách phòng ngừa bệnh táo bón
Ngoài nguyên nhân mắc các bệnh lý về tiêu hóa, thì táo bón chủ yếu xuất phát từ chế độ ăn uống mất cân bằng dinh dưỡng, ít vận động hoặc căng thẳng, stress quá mức. Theo đó, ngoài việc uống đủ 2 lít nước mỗi ngày, thì người bệnh nên:
- Hạn chế các ăn các thực phẩm không lành mạnh như thực phẩm giàu chất béo có nguồn gốc động vật, đồ ăn công nghiệp, nước ngọt đóng chai, bia, rượu, hút thuốc lá, các loại quả xanh, chát.
- Nên vận động ít nhất 3 giờ/tuần.
- Tránh căng thẳng, trầm cảm, stress.
- Không ngồi bồn cầu quá lâu, không rặn khi đại tiện
- Nên tập thói quen đi đại tiện vào một khung giờ hàng ngày
- Duy trì một chế độ ăn giàu chất xơ bao gồm tăng cường rau xanh, trái cây và ngũ cốc nguyên cám.
- Ngoài ra, đối với trẻ uống sữa bột, việc ngừng hoặc đổi loại sữa trẻ đang uống hiện tại có thể giúp cải thiện tình trạng táo bón.
Cùng với đó, người dân nên chủ động đến bệnh viện khám sức khỏe giúp tầm soát và điều trị sớm các bệnh lý là nguyên nhân gây ra táo bón như trĩ, nứt hậu môn, tắc nghẽn ống tiêu hóa do khối u, trĩ huyết khối, to trực tràng vô căn; các bệnh về thần kinh hoặc tuyến giáp…