Quá trình tiêu hóa đóng vai trò vô cùng quan trọng, giúp cung cấp chất dinh dưỡng cho cơ thể. Quá trình này không chỉ đơn thuần là hoạt động thông thường của ống tiêu hóa, gan hay mật, mà còn đòi hỏi sự phối hợp của toàn bộ cơ thể.
Tiêu hóa là sự phân hủy phân tử thức ăn không hòa tan lớn thành phân tử thức ăn tan trong nước nhỏ để có thể được hấp thu vào huyết tương. Thức ăn sau khi qua miệng, thực quản, dạ dày sẽ đi đến ruột non. Tại đây, quá trình tiêu hóa thức ăn ở ruột non sẽ diễn ra, hấp thu hầu hết các chất dinh dưỡng từ thực phẩm. Cuối cùng, chất thải được đưa xuống ruột già và đưa ra ngoài cơ thể.
Vì sao hệ tiêu hóa lại quan trọng?
Hệ tiêu hóa được tạo thành từ đường tiêu hóa, gan, tuyến tụy và túi mật. Đường tiêu hóa là các cơ quan rỗng nối trong một ống dài đi từ miệng tới hậu môn. Các cơ quan này bao gồm: miệng, thực quản, dạ dày, ruột non, ruột già và hậu môn. Gan, tuyến tụy và túi mật là những cơ quan đặc biệt của hệ tiêu hóa.
Hệ tiêu hóa rất quan trọng bởi cơ thể chúng ta cần chất dinh dưỡng từ thức ăn và đồ uống để hoạt động tốt, khỏe mạnh hơn. Protein, chất béo, carbohydrate, nước, vitamin và khoáng chất là các chất dinh dưỡng. Hệ tiêu hóa chia các chất dinh dưỡng này thành các phần nhỏ để cơ thể hấp thu và sử dụng năng lượng, phát triển và tái tạo các tế bào.
Quá trình tiêu hóa
Quá trình tiêu hóa gồm 6 giai đoạn: ăn vào, nhào trộn, tiêu hóa vật lý, tiêu hóa hóa học, hấp thụ và thải ra. Các nhóm chất dinh dưỡng như đường bột (carbohydrate), chất béo (lipid), chất đạm (protein), và vitamin, muối khoáng sẽ được phân giải ở từng giai đoạn khác nhau trong quá trình tiêu hóa, còn chất xơ thì được giữ lại.
Ăn vào là giai đoạn thức ăn được đưa vào miệng và bắt đầu đi vào ống tiêu hóa. Trong khoang miệng, răng và lưỡi sẽ làm nhiệm vụ nhai để xé nhỏ thức ăn và trộn đều thức ăn với nước bọt. Enzyme trong nước bọt phân giải chất đường bột (carbohydrate) và một phần nhỏ enzyme phân giải chất béo (lipid) giúp quá trình tiêu hóa diễn ra dễ dàng.
Sau khi thức ăn được làm nhỏ ở khoang miệng, lưỡi và cơ thực quản sẽ đẩy các mảnh thức ăn vào thực quản. Đây chính là động tác nuốt thức ăn. Thức ăn được đẩy qua toàn bộ hệ tiêu hóa bắt đầu với động tác nuốt và các nhu động vừa đẩy thức ăn đi, vừa trộn đều thức ăn với dịch tiêu hóa. Thậm chí, các nhu động này còn mạnh mẽ đến mức đồ ăn thức uống bạn ăn vào vẫn có thể đi xuống dạ dày, ngay cả khi bạn đang ở tư thế trồng cây chuối.
Quá trình tiêu hóa gồm song song cả tiêu hóa vật lý và hóa học. Tiêu hóa vật lý là quá trình thức ăn không bị biến đổi mà chỉ được xé nhỏ. Có thể bạn sẽ nghĩ tiêu hóa vật lý chỉ dừng ở khoang miệng, nhưng ngay cả khi thức ăn trong dạ dày thì hoạt động này vẫn diễn ra. Đó chính là sự nhào trộn thức ăn trong dạ dày nhằm xé nhỏ thức ăn hơn nữa, gia tăng diện tích bề mặt tiếp xúc để dịch dạ dày phân giải thức ăn hiệu quả hơn. Sau đó thức ăn chuyển xuống ruột non, tiếp tục được xé nhỏ hơn và nhào trộn.
Tiêu hóa hóa học cũng bắt đầu từ miệng và kết thúc ở ruột non. Các dịch tiêu hóa phân giải các phân tử thức ăn phức tạp thành những phân tử nhỏ hơn. Dịch tiêu hóa có thể khác nhau về thành phần ở mỗi giai đoạn trong ống tiêu hóa, thường bao gồm nước, các loại enzyme, acid và muối.
Sau khi thức ăn được phân giải, các chất dinh dưỡng dưới dạng phân tử nhỏ sẽ được hấp thu vào máu. Quá trình này xảy ra chủ yếu ở ruột non, một ít ở ruột già. Cuối cùng, những phần còn lại của thức ăn không được hấp thụ sẽ được đào thải ra khỏi cơ thể qua hậu môn.
Tiêu hóa thức ăn ở từng cơ quan diễn ra như thế nào?
Mỗi bộ phận của hệ tiêu hóa đều làm nhiệm vụ di chuyển thức ăn và chất lỏng qua đường tiêu hóa, chia thức ăn và chất lỏng thành các phần nhỏ hơn. Khi thức ăn được chia nhỏ, cơ thể có thể hấp thụ và chuyển các chất dinh dưỡng này đến nơi cần thiết.
Miệng: Quá trình tiêu hóa bắt đầu từ khi bạn đưa thức ăn vào miệng. Răng và xương hàm sẽ tiến hành nhai để chia nhỏ thức ăn. Các tuyến nước bọt cũng được tiết ra trong quá trình này để trộn lẫn thức ăn với nhau, bắt đầu cho quá trình phân hủy tinh bột thành các đường đơn.
Thực quản: Là một ống cơ kéo dài từ hầu họng đến dạ dày. Thực quản đưa thức ăn xuống dạ dày bằng các cơn co thắt hay còn được gọi là nhu động. Điểm giữa thực quản và dạ dày có cơ vòng thực quản dưới nhằm giữ cho thức ăn ở dạ dày không trào ngược lên thực quản.
Dạ dày: Nơi có các bó cơ khỏe mạnh để thực hiện chức năng trộn lẫn thức ăn với axit và các enzyme, giúp thủy phân các protein phức tạp. Khi di chuyển sang ruột non, tất cả các loại thức ăn đã được biến thành chất lỏng hoặc bột nhão.
Ruột non: Đây là nơi diễn ra hầu hết sự hấp thụ các chất dinh dưỡng từ thực phẩm. Ở đây thức ăn tiếp tục được phân tách thành các phân tử có thể hấp thụ vào máu. Sự hấp thu các chất dinh dưỡng được thực hiện nhờ vào những hình trụ nhỏ giống ngón tay, được gọi là nhung mao.
Đại tràng: Giúp hấp thụ nước và chất dinh dưỡng còn lại. Thông thường, phải mất đến 36 giờ để phân đi qua đại tràng. Thành phần chính của phân chủ yếu là những mảnh vụn thức ăn và vi khuẩn. Những vi khuẩn này thực hiện một số chức năng hữu ích, như tổng hợp các loại vitamin khác nhau, xử lý chất thải và cặn lắng thức ăn, bảo vệ cơ thể chống lại vi khuẩn có hại.
Tuyến tụy: Tiết ra một số enzyme vào ruột non để phân hủy protein, chất béo và carbohydrate có trong thức ăn.
Gan: Tiết dịch mật và lọc máu có các chất dinh dưỡng vừa được hấp thụ đế từ ruột non.
Túi mật: Là nơi chứa dịch mật, có hình quả lê. Dịch mật được tạo ra ở gan và sau đó nếu cần phải lưu trữ thì dịch mật sẽ được di chuyển đến túi mật thông qua ống mật. Trong bữa ăn, túi mật co bóp để đẩy dịch mật xuống ruột non.