Rối loạn tiêu hóa ở trẻ do đâu?

Rối loạn tiêu hóa là những bất thường xảy ra ở đường tiêu hóa, bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi. Các triệu chứng gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của người bệnh, nếu để tình trạng này tiến triển trong thời gian dài mà không có biện pháp điều trị thích hợp sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.

Nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa ở trẻ

- Sức đề kháng yếu, nhất là đối với trẻ không được bú sữa mẹ hoặc không bú sữa mẹ hoàn toàn.

- Dùng kháng sinh: Kháng sinh có thể tiêu diệt một số lợi khuẩn dẫn đến tiêu chảy, táo bón, đi phân sống.

- Ăn uống không đảm bảo vệ sinh, môi trường sống bị ô nhiễm.

- Trẻ bước vào thời kỳ ăn dặm, hệ vi sinh chưa hoàn thiện, chưa quen với việc tiêu hóa thức ăn. Thức ăn không được tiêu hóa hoàn toàn tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại phát triển.

- Chế độ ăn uống không hợp lý: Ăn nhiều đạm, nhiều đường, ít chất xơ, ít vitamin và khoáng chất.

- Chạy nhảy ngay sau ăn no ảnh hưởng đến các cơ dọc cơ vòng cơ chéo tại đường ống tiêu hóa.

- Stress tâm lý hoặc thức khuya kéo dài gây kích thích dây thần kinh X, gây tăng tiết dịch tiêu hóa, đặc biệt là dịch acid tại dạ dày gây mất cân bằng độ pH tại đường tiêu hóa.

Một số triệu chứng thường gặp ở trẻ bị bệnh rối loạn tiêu hóa

- Đau bụng: Đau không liên tục, thường liên quan đến bữa ăn, có thể khởi phát với một loại thức ăn nhất định như sữa, thức ăn nhiều chất béo… Đau thường chỉ ở mức độ nhẹ đến trung bình. Các cơn đau này gây khó chịu nhưng không ảnh hưởng nhiều đến tổng trạng của bé. Vị trí đau thường ở vùng thượng vị hoặc quanh rốn. Trẻ nhỏ chưa biết nói thường biểu hiện bằng quấy khóc, đôi khi bỏ ăn.

- Chán ăn: Trẻ ăn ít hoặc không chịu ăn. Mỗi cữ ăn hay cữ bú thường kéo dài hơn so với bình thường.

- Đầy bụng: Cảm giác no khi ăn một lượng thức ăn ít hơn so với lứa tuổi, làm trẻ không muốn ăn tiếp tục.

- Chướng bụng: Bụng trẻ căng hơn bình thường, nhất là tại vùng thượng vị. Khi gõ vào thành bụng nghe tiếng vang. Triệu chứng đầy hơi và chướng bụng là do thức ăn chậm di chuyển trong ống tiêu hóa.

- Ợ: Thường trẻ ợ do có nhiều hơi trong dạ dày. Nguyên nhân là do trẻ nuốt quá nhiều hơi khi ăn hoặc khi bú. Trẻ thường bứt rứt, vặn mình, đỏ mặt. Trẻ lớn và người lớn có cảm giác khó chịu vùng thượng vị. Ở các bệnh nhân này, ợ hơi mang lại cảm giác dễ chịu.

- Buồn nôn và nôn ói: Trẻ có cảm giác buồn nôn khi đang ăn hoặc sau khi ăn một thời gian ngắn. Chất ói thường là thức ăn còn nguyên hoặc thức ăn chưa tiêu hóa hết. Nếu trẻ ói ra máu, dịch xanh hay dịch vàng, cần đưa trẻ đi khám để loại trừ các bệnh lý nặng như xuất huyết dạ dày, viêm tụy cấp, viêm ruột thừa, tắc ruột.

- Tiêu chảy: Tiêu chảy là khi trẻ đi tiêu phân lỏng từ 3 lần trở lên trong một ngày. Tiêu chảy cấp thường hết sau 5-7 ngày. Một số trường hợp trẻ bị tiêu chảy kéo dài. Tiêu chảy có thể dẫn đến mất nước và tử vong. Các trường hợp này cần đến khám tại các cơ sở y tế.