Rối loạn tiêu hóa là hậu quả của một số nguyên nhân nhất định. Nếu tình trạng này kéo dài và không được chữa trị đúng cách thì người bệnh có thể sẽ mắc các chứng bệnh đường tiêu hóa, thậm chí có thể diễn biến xấu thành ung thư đường ruột.
Một số nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa
- Bệnh nhân bị viêm đại tràng: Đây là nguyên nhân hàng đầu điển hình gây ra rối loạn hệ tiêu hóa. Viêm đại tràng có thể do lỵ amip, shigella,… và gây nên hội chứng ruột kích thích.
- Bệnh nhân bị các bệnh lý liên quan đến dạ dày: Viêm dạ dày, loét dạ dày - tá tràng,… gây ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa và hấp thu các chất dinh dưỡng.
- Do bị mất cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột: Các vi khuẩn đường ruột có tác dụng điều hòa quá trình tiêu hóa, lên men trong đường ruột. Khi có sự mất cân bằng hệ vi sinh vật sẽ dẫn đến sự rối loạn quá trình chuyển hóa thức ăn. Mà nguyên nhân đến sự mất cân bằng đường ruột thường là do lạm dụng kháng sinh và hay gặp nhất ở trẻ em.
- Do chế độ ăn uống: Ăn những thức ăn, đồ uống không đảm bảo vệ sinh; những thức ăn có tác dụng không tốt đến đường tiêu hóa… đều có thể gây rối loạn tiêu hóa; Ngoài ra, ăn uống không đúng bữa, không điều độ cũng là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng này.
- Do sử dụng nhiều thức uống có cồn: Rượu bia sẽ làm mất cân bằng pH dạ dày, rửa trôi các men tiêu hóa và gây ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa thức ăn.
Rối loạn tiêu hóa biểu hiện như thế nào?
Rối loạn tiêu hóa thường có nhiều biểu hiện triệu chứng khác nhau. Có thể xảy ra đồng thời ở nhiều bộ phận của hệ tiêu hóa nhưng cũng có thể chỉ ảnh hưởng đến một bộ phận nhất định.
Các triệu chứng thường gặp: Cảm thấy chướng bụng; Cảm giác buồn nôn, nôn mửa; Ợ hơi, ợ nóng; Luôn đau bụng âm ỉ; Bệnh nhân đi đại tiện bất thường; Cảm giác chán ăn
Thông thường, các triệu chứng của rối loạn tiêu hóa chỉ xảy ra ít và ở mức độ nhẹ. Khi các triệu chứng kéo dài và nặng hơn như: đi ngoài có máu, phân lỏng rắn xen kẽ, sút cân nhanh…bệnh nhân ngay lập tức liên hệ với bác sĩ sớm để được khám và điều trị kịp thời.
Phòng bệnh rối loạn tiêu hóa
Để phòng ngừa rối loạn tiêu hóa, cần xây dựng cho mình một chế độ sống khoa học
- Nên ăn uống đủ chất: Ăn chín uống sôi và hạn chế các thực phẩm gây kích thích hệ tiêu hóa, gây tiêu chảy.
- Khi bị táo bón cần bổ sung nhiều chất xơ và rau xanh, uống nhiều nước... để hỗ trợ quá trình đào thải của cơ thể.
- Cần hạn chế sử dụng các thức uống có cồn.
- Có thể bổ sung men vi sinh, bổ sung lợi khuẩn tốt cho đường ruột theo chỉ dẫn của bác sĩ.
- Tập thói quen đi vệ sinh mỗi ngày vào một thời điểm.
- Thể thao hàng ngày để nâng cao sức đề kháng của cơ thể.
Nguồn: Báo Sức khỏe và Đời sống