Làm gì khi bé bị táo bón?

Táo bón không phải là một bệnh mà là một triệu chứng thường hay gặp ở trẻ em với biểu hiện dễ nhận thấy thông qua việc giảm số lần đại tiện bình thường, khó và đau khi đại tiện do phân rắn hoặc quá to.

Có 2 nguyên nhân dẫn đến táo bón ở trẻ

Nguyên nhân do tổn thương thực thể ở đường tiêu hoá, loại này hiếm gặp thường chỉ chiếm 5% trong các nguyên nhân gây táo bón, đó là các dị tật bẩm sinh: Phình to đại tràng (bệnh Hirschsprung), bệnh suy giáp trạng (bệnh Myxoedeme) khi mắc các bệnh này trẻ thường bị táo bón rất sớm từ ngay sau khi đẻ.

Ngoài ra còn do các nguyên nhân mắc phải như: trẻ bị nứt hậu môn, bị trĩ, nên trẻ đi ngoài bị đau, gây co thắt hậu môn. Có thể do sai lầm trong chế độ ăn uống, hoặc trẻ bị giảm trương lực ruột do mắc một số bệnh như: còi xương, suy dinh dưỡng, thiếu máu...hoặc do dùng thuốc thuốc kháng sinh giảm ho có codein. Ở trẻ lớn còn chịu ảnh hưởng của yếu tố tinh thần như nhịn đại tiện do sợ bẩn, sợ thối hoặc ngại đi đại tiện. Ở tuổi mẫu giáo, trẻ sợ cô giáo nên không dám xin phép đi đại tiện, không luyện thói quen đi ngoài đúng giờ.

Cách xử lý

Khi trẻ bị táo bón, tuỳ theo nguyên nhân gây bệnh mà có những cách xử trí thích hợp. Cần cho trẻ ăn đủ số lượng hàng ngày, cho trẻ ăn nhiều rau xanh và các loại quả. Nếu trẻ uống sữa bị táo bón nên pha sữa loãng hơn bình thường một chút hoặc dùng nước cháo nấu với các loại rau củ, pha với sữa cho trẻ từ 5 tháng trở lên. Cho trẻ uống thêm nước rau quả ngày 3-4 lần.

Đối với mẹ đang cho con bú thì phải điều trị táo bón cho mẹ: ăn nhiều rau quả, uống nhiều nước. Có thể tác động bên ngoài bằng cách xoa bụng cho trẻ theo khung đại tràng từ phải sang trái ngày 3-4 lần vào khoảng cách giữa 2 bữa ăn để kích thích làm tăng nhu động ruột. Tập cho trẻ đi đại tiện đúng giờ quy định, chọn thời gian lúc nào trẻ không vội vã, thường nên chọn sau bữa ăn vì lúc này nhu động ruột hoạt động tăng, nên tránh bắt trẻ ngồi bô hoặc ngồi hố xí quá lâu.

Khi điều trị bằng chế độ ăn không khỏi thì mới nên sử dụng tới dược phẩm như dùng thuốc và thụt tháo theo chỉ dẫn của bác sĩ như cho trẻ uống dầu Parafin vào buổi sáng, các loại thuốc có chứa magie sulphat có tác dụng nhuận tràng, hay các loại thuốc có chứa vi khuẩn sống dưới dạng đông khô như: cốm vi sinh Biolac; men vi sinh EnteroGo, BioThymolus,... giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột.

Những trường hợp sau phải đưa trẻ đến bệnh viện

  • Táo bón kéo dài trên một tuần, thay đổi chế độ ăn không có tác dụng.
  • Táo bón sau khi trẻ mới sinh, bụng chướng.
  • Táo bón ảnh hưởng đến sức khoẻ : kém ăn, gầy sút, suy dinh dưỡng, kèm theo nôn.

Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia