Nên ăn gì, kiêng gì để cơ thể nhanh phục hồi khi bị tiêu chảy mùa nắng nóng

Thời tiết nắng nóng là điều kiện cho vi khuẩn phát triển mạnh qua thức ăn, đồ uống xâm nhập vào cơ thể gây bệnh tiêu chảy. Một chế độ dinh dưỡng khoa học sẽ giúp người bệnh nhanh chóng phục hồi sau khi mắc tiêu chảy.

Tiêu chảy là một hiện tượng phổ biến và rất nhiều người sẽ bị ít nhất một hoặc hai lần một năm. Trong hầu hết các trường hợp, các triệu chứng sẽ biến mất trong vài ngày. Tuy nhiên, có những trường hợp tiêu chảy nặng nếu không được điều trị sẽ gây nguy hiểm đến sức khỏe.

Nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy

Tiêu chảy cấp do độc tố của vi khuẩn trong thức ăn

Khi ăn phải thức ăn chứa vi khuẩn có khả năng xâm nhập vào niêm mạc ruột và gây bệnh như Salmonella, kể cả thực phẩm tươi như thịt lợn, thịt gia cầm, sữa, trứng, hải sản, rau quả đều có thể chứa vi khuẩn Salmonella. 

Hoặc khi ăn phải thức ăn có chứa độc tố của vi khuẩn đã hình thành sẵn trong thức ăn. Chính độc tố này đã gây bệnh tiêu chảy như: độc tố của tụ cầu vàng, Clostridium Perfringens, Clostridium Botulinum...

Tiêu chảy do lỵ trực khuẩn

Tiêu chảy do vi khuẩn Shigella gây các triệu chứng như đau quặn bụng, mót rặn, đi ngoài có lẫn máu, có thể sốt. Nguồn lây vi khuẩn này là thức ăn và nước. 

Tiêu chảy do tả là do vi khuẩn Vibrio cholerae gây đi ngoài nhiều lần/ngày, phân lờ lờ như nước vo gạo, không đau bụng, không sốt. Nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng có thể nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.

Dấu hiệu khi bị tiêu chảy

Bệnh tiêu chảy cấp thường gây ra một số triệu chứng giống nhau ở cả người lớn và trẻ em. Triệu chứng phổ biến và dễ nhận biết nhất của bệnh tiêu chảy là đi ngoài nhiều lần (trên 3 lần mỗi ngày), phân lỏng và kèm nước. Ngoài ra, tình trạng cũng xuất hiện với nhiều triệu chứng đi kèm khác, cụ thể như sau:

- Đầy bụng, sôi bụng.

- Tiêu chảy liên tục, nhiều lần, ban đầu phân lỏng, lúc sau toàn là nước.

- Nôn thức ăn, nước trong hoặc màu vàng nhạt.

- Người luôn trong tình trạng mệt lả.

- Chuột rút.

- Biểu hiện mất nước từ nhẹ đến nặng: khát nước, da nhăn nheo, khô, cơ thể hốc hác, mắt trũng, mạch đập nhanh, hạ huyết áp, tiểu tiện ít hoặc vô niệu, chân tay lạnh,…

Nguyên tắc ăn uống cho người bị tiêu chảy cấp

Thực phẩm nên ăn: 

- Người bị tiêu chảy nên ăn hồng xiêm, măng cụt, chuối, táo, lựu, ổi, vải… giúp cung cấp vitamin C và khoáng chất cho cơ thể. 

- Bổ sung nước cũng rất quan trọng khi kiểm soát tiêu chảy, vì vậy mọi người nên uống nhiều nước trong suốt cả ngày.

- Ngoài ra, những loại thực phẩm như trứng, gạo, bánh mì, khoai tây nghiền, canh rau củ, súp hầm cũng rất tốt cho người bị tiêu chảy.

Thực phẩm không nên ăn:

- Các loại rau khó tiêu như súp lơ xanh, đậu, bắp cải và hành tây tạo cảm giác thấy đầy hơi và khó chịu.

- Chất béo hoặc thực phẩm chiên xào nhiều dầu mỡ sẽ gây tích trữ khí thừa trong đường ruột, khiến bạn đầy hơi, khó chịu và chướng bụng.

- Đồ uống có cồn, có gas và thuốc lá, nước uống không đường, sữa, thức ăn cay đều không thích hợp với người bị tiêu chảy. Ngoài ra, thông thường ta hay bị lầm tưởng chất xơ giúp duy trì hoạt động của hệ tiêu hóa, nhưng khi cơ thể đang cố gắng phục hồi sau tiêu chảy, chất xơ có thể làm cho các triệu chứng tồi tệ hơn. 

Nguồn: Theo Báo Sức khỏe và Đời sống