Có nên dùng men tiêu hóa cho trẻ bị biếng ăn sau khi tiêu chảy?

Tình trạng phổ biến nhất khi bị tiêu chảy là mất nước và mất điện giải gây tình trạng mệt mỏi, giảm cảm giác ngon miệng. Do 70% trọng lượng cơ thể là nước, nên nếu cơ thể không đủ nước thì chức năng chuyển hóa và tuần hoàn sẽ bị ảnh hưởng. Khi máu đến dạ dày giảm thì cơ chế hấp thu và bài tiết enzyme tiêu hóa cũng giảm, gây ra tình trạng chán ăn.

Tại sao sau khi bị tiêu chảy, trẻ hay biếng ăn?

Tiêu chảy là tình trạng trẻ đi ngoài trên 3 lần/ngày với trẻ bú mẹ có thể đi ngoài 5-7 lần/ngày, phân của trẻ dạng lỏng nước, mùi hôi tanh. Nguyên nhân chính là do nhiễm các loại vi khuẩn, ký sinh trùng, virus hoặc do sử dụng kháng sinh không đúng. Bệnh tiêu chảy có thể được chia thành tiêu chảy cấp và tiêu chảy mạn tính, trong đó tiêu chảy mạn tính được xác định khi trẻ tiêu chảy từ 14 ngày trở lên.

Tình trạng phổ biến nhất khi bị tiêu chảy là mất nước và mất điện giải gây tình trạng mệt mỏi, giảm cảm giác ngon miệng. Do 70% trọng lượng cơ thể là nước, nên nếu cơ thể không đủ nước thì chức năng chuyển hóa và tuần hoàn sẽ bị ảnh hưởng. Khi máu đến dạ dày giảm thì cơ chế hấp thu và bài tiết enzyme tiêu hóa cũng giảm, gây ra tình trạng chán ăn.

Khi tình trạng dinh dưỡng kém cơ thể sẽ bị suy kiệt gây ra một vòng xoắn bệnh lý: Tiêu chảy - giảm hấp thu - cơ thể suy kiệt - giảm khả năng miễn dịch và gây ảnh hưởng đến khả năng phát triển của trẻ.

Trẻ bị tiêu chảy nên sử dụng men tiêu hóa hay men vi sinh?

BS. Tạ Tùng Duy – Viện Y học Ứng dụng Việt Nam cho biết không nên sử dụng tùy tiện men tiêu hóa và men vi sinh cho trẻ khi chưa hiểu rõ tác dụng của từng loại men. Men tiêu hóa và men vi sinh là 2 loại men khác nhau và cách sử dụng cũng khác nhau. 

Men tiêu hóa (hay còn gọi là enzym) là các loại men do chính các tuyến trong cơ thể tiết ra như nước bọt, dạ dày, tụy, ruột, có tác dụng tiêu hóa và hấp thu thức ăn. Ngược lại, men vi sinh là các chế phẩm tổng hợp giúp bổ sung các vi khuẩn có lợi nhằm tạo nên sự cân bằng vi khuẩn trong hệ tiêu hóa và ức chế các vi khuẩn có hại gây bệnh cũng như tiết độc tố.

Với men tiêu hoá, trừ những trẻ bị tổn thương hệ tiêu hóa bẩm sinh thì phải bổ sung men tiêu hóa lâu dài. Còn các trường hợp mắc bệnh lý cấp tính gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa thì chỉ nên dùng men tiêu hóa từng đợt 1-2 tuần, không nên dùng kéo dài vì khi dùng kéo dài sẽ làm các tuyến tiêu hóa bị ức chế, giảm bài tiết men tiêu hóa và dẫn đến ảnh hưởng chức năng sinh lý bình thường của các cơ quan. Đối với những trẻ khoẻ mạnh bình thường mà có biểu hiện lười ăn, chán ăn, cần tìm hiểu nguyên nhân để khắc phục chứ không nên dùng men tiêu hóa dưới dạng thuốc vì ít có tác dụng. Trường hợp cần dùng phải tuân theo sự chỉ định của các bác sĩ.

Với men vi sinh, nên sử dụng trong những trường hợp bệnh nhân dùng kháng sinh kéo dài. Do kháng sinh có tác dụng phụ là tiêu diệt cả những vi khuẩn có lợi trong đường ruột và tạo đà cho vi khuẩn có hại phát triển, đặc biệt là giúp cho vi khuẩn yếm khí lây lan gây ra triệu chứng đau bụng, đi ngoài phân sống, tiêu chảy…Các trường hợp tiêu chảy cấp do virus cũng được khuyên nên sử dụng men vi sinh. Trong các trường hợp bệnh này mà được bổ sung men vi sinh mới có tác dụng và đúng với ý nghĩa là làm lợi khuẩn.

Một điều chú ý là kể cả khi đang dùng kháng sinh nhưng mới ngắn ngày hoặc chưa có dấu hiệu gì bất lợi ở đường tiêu hóa thì cũng không nên bổ sung men vi sinh ngay lập tức. Chỉ sau khi sử dụng kháng sinh dài ngày (từ 1 tuần trở lên) và có biểu hiện của rối loạn vi khuẩn ruột thì bác sĩ mới nên kê đơn cho bệnh nhân dùng men vi sinh.

Trong trường hợp bệnh nhân chưa có biểu hiện bệnh lý tiêu hóa nhưng có các triệu chứng chán ăn, ăn kém thì cũng nên bổ sung men vi sinh nhưng chỉ nên dùng ngắn ngày.

Với trẻ bị tiêu chảy nên cho trẻ sử dụng men vi sinh để khắc phục tình trạng loạn khuẩn ruột, hạn chế nhiễm trùng tiêu hóa và để tăng cường sức khỏe đường ruột.

Nguồn: Bệnh viện Quận 5 - TP. HCM