Trẻ bị tiêu chảy do uống kháng sinh - Làm thế nào để điều trị?

Thuốc kháng sinh là loại thuốc thường được sử dụng trong điều trị các bệnh do vi khuẩn gây ra. Tuy nhiên, ngoài tác dụng điều trị bệnh, thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ. Trong đó tiêu chảy là một trong những tác dụng phụ thường gặp ở trẻ em, phổ biến ở trẻ dưới 2 tuổi, bởi đây là đối tượng có hệ miễn dịch và hệ tiêu hóa chưa phát triển hoàn thiện. 

Vì sao kháng sinh gây tiêu chảy?

Trong hệ tiêu hóa, luôn tồn tại một quần thể vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại cùng tồn tại song song với nhau theo tỷ lệ nhất định. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng sự cân bằng của hệ vi khuẩn trong đường ruột có ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng ta.

Các lợi khuẩn có vai trò hỗ trợ chức năng miễn dịch của cơ thể và hỗ trợ giảm các triệu chứng như: tiêu chảy (tiêu chảy do dùng kháng sinh và do nhiễm trùng), táo bón, bệnh viêm ruột (IBD), hội chứng ruột kích thích (IBS), nhiễm trùng nấm men, nhiễm trùng đường tiết niệu, bệnh về nướu, không dung nạp lactose, bệnh chàm (viêm da dị ứng), nhiễm trùng đường hô hấp trên (nhiễm trùng tai, cảm lạnh thông thường, viêm xoang), nhiễm trùng huyết (đặc biệt ở trẻ sơ sinh).

Dùng thuốc kháng sinh khi bị bệnh có tác dụng kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn và giảm tình trạng viêm do vi khuẩn gây ra. Tuy nhiên, khi sử dụng một hoặc nhiều loại kháng sinh có dược tính mạnh, liều lượng cao nhằm tiêu diệt các hại khuẩn, các lợi khuẩn cũng có thể bị tiêu diệt theo. Hệ quả là sự mất cân bằng của 2 nhóm vi khuẩn đường ruột. Thay vì giúp cơ thể hấp thu dưỡng chất từ thức ăn thì lúc này các lợi khuẩn lại bị kiềm chế, khiến trẻ khó tiêu và kém hấp thụ. Đồng thời, các vi khuẩn có hại sẽ tiết ra độc tố gây tổn thương niêm mạc ruột và gây ra các vấn đề về tiêu hóa (viêm nhiễm, phù nề, xuất huyết trong lòng ruột,…), dẫn đến tình trạng trẻ bị tiêu chảy.

Thuốc kháng sinh đường uống hay đường tiêm đều có thể gây tiêu chảy ở trẻ em, thường gặp gồm: Clindamycin, Erythromycin, Ampicillin, Tetracycline (Doxycycline, Minocycline), Amoxicillin, Penicillin, nhóm Cephalosporin (Cefuroxime, Cefixime, Cefpodoxime), nhóm Quinolones (Ciprofloxacin, Levofloxacin),…

Dấu hiệu nhận biết

Tiêu chảy do uống kháng sinh ở trẻ thường sẽ bắt đầu vào khoảng ngày thứ 2 đến ngày thứ 8 của quá trình điều trị, kéo dài khoảng từ 1-7 ngày. Các triệu chứng đi kèm khi trẻ uống kháng sinh bị tiêu chảy thường diễn ra ở mức độ nhẹ, gồm:

  • Trẻ không có biểu hiện sốt, các triệu chứng của bệnh lý được điều trị bằng kháng sinh thuyên giảm.
  • Trẻ đau bụng và tiêu chảy nhiều lần, tần suất đi tiêu trên 3 lần/ngày.
  • Trẻ phải rặn mỗi khi đi tiêu.
  • Phân trẻ có dịch nhầy, phân sống, có máu.
  • Phân có bọt, màu xanh, vàng lổn nhổn.
  • Hậu môn hăm đỏ (xảy ra do phân có tính axit).

Phần lớn các trường hợp trẻ bị tiêu chảy do kháng sinh xảy ra ở mức độ nhẹ và có thể tự khỏi sau khi ngưng thuốc. Một số trường hợp, tiêu chảy do uống kháng sinh diễn ra ở mức độ nặng, gây ra nhiều tổn thương nghiêm trọng với các biểu hiện mất nước nặng, viêm ruột, đau bụng, trẻ tiêu chảy ra máu,… Lúc này, bố mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám và chữa trị kịp thời.

Nên làm gì khi trẻ uống kháng sinh bị tiêu chảy?

Khi trẻ bị tiêu chảy do uống kháng sinh, nhiều bố mẹ sẽ rơi vào trạng thái hoang mang, lo lắng và bắt đầu tìm cách để hỗ trợ cải thiện tình trạng tiêu chảy của trẻ. Tuy nhiên, lúc này bố mẹ nên giữ bình tĩnh, theo dõi các biểu hiện và thực hiện những lưu ý dưới đây:

* Tiếp tục sử dụng thuốc kháng sinh

Trong quá trình điều trị bằng kháng sinh, nếu trẻ có biểu hiện tiêu chảy, bố mẹ nên thông báo sớm cho bác sĩ điều trị để được hướng dẫn chăm sóc đúng cách, ngăn chặn tình trạng mất nước xảy ra.

Đối với trẻ tiêu chảy nhẹ, không có dấu hiệu mất nước: Bố mẹ nên tiếp tục cho trẻ dùng kháng sinh đúng với liều lượng do bác sĩ yêu cầu bởi việc tự ý ngưng thuốc sẽ làm tăng nguy cơ kháng kháng sinh, gây khó khăn cho quá trình điều trị bệnh sau này. Ngoài ra, bố mẹ có thể tham khảo bác sĩ về cách sử dụng một số loại men tiêu hóa hoặc men vi sinh phù hợp để hỗ trợ trẻ.

Đối với trẻ tiêu chảy nặng, mất nước: Bố mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện khẩn cấp, ngừng kháng sinh cho trẻ. Lúc này, trẻ cần được bù nước, bù điện giải, cân bằng kiềm toan.

* Cung cấp đủ nước

Tiêu chảy khiến trẻ mất nước nhanh chóng, do đó, trẻ bị tiêu chảy cần được uống nhiều nước hơn bình thường. Bố mẹ có thể tham khảo ý kiến về việc sử dụng các loại dung dịch bù nước, bù điện giải như oresol cho trẻ. Đối với trẻ nhỏ còn trong giai đoạn bú mẹ hoàn toàn, mẹ nên tăng cữ bú cho trẻ, đảm bảo cung cấp đủ nước cho cơ thể mỗi ngày.

Lưu ý, trẻ bị tiêu chảy do uống kháng sinh nên hạn chế uống nước ép trái cây, nước ngọt và các dụng dịch giải khát khác vì chúng có thể khiến tình trạng tiêu chảy diễn ra nặng hơn.

* Chú ý đến những thực phẩm cho trẻ khi bị tiêu chảy

Trẻ bị tiêu chảy nên thực hiện một chế độ ăn riêng, thay vì cho trẻ ăn những món ăn thường ngày, mẹ nên ưu tiên chọn những món ăn dạng lỏng, mềm và dễ tiêu nhưng vẫn đảm bảo cung cấp đủ chất cho trẻ. Điều này sẽ giúp giảm gánh nặng cho hệ tiêu hóa, từ đó, giúp trẻ cảm thấy thoải mái, dễ chịu hơn.

Mẹ nên tránh cho trẻ ăn các loại đậu, thức ăn cay, nóng, nhiều dầu mỡ, các món ăn chế biến từ hải sản, đồ đông lạnh,… Ngược lại, mẹ nên lựa chọn các loại rau củ có tác dụng giữ nước như cà rốt, bí, chuối, cam, củ cải đường,… và bổ sung thêm men tiêu hóa cho trẻ, giúp trẻ có thêm năng lượng, tiêu hóa thức ăn dễ dàng.

* Xử lý hăm tã

Đối với trẻ nhỏ còn đang sử dụng bỉm, tã, bố mẹ nên chú ý vệ sinh nhẹ nhàng, đúng cách vùng quanh hậu môn và vùng đóng bỉm. Trước khi mặc bỉm, mẹ nên thoa một lớp vaseline hoặc kem chống hăm (Zincofax, Penaten,…) để ngăn ngừa hăm tã cho trẻ.