Mùa hè là thời điểm trẻ rất hay bị tiêu chảy do nhiễm khuẩn. Khi trẻ bị tiêu chảy, nếu cha mẹ không biết cách xử trí đúng có thể khiến bệnh nặng thêm và gây ra tiêu chảy mạn, kéo dài, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của trẻ sau này.
Nguyên nhân gây tiêu chảy ở trẻ
Tiêu chảy là bệnh rất phổ biến ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, với tỷ lệ trung bình 1 trẻ mắc từ 0,8-2,2 đợt tiêu chảy trong năm. Bệnh lây qua đường phân - miệng (phân trẻ bị tiêu chảy là nguồn nhiễm bệnh). Nguyên nhân gây tiêu chảy ở trẻ chủ yếu là do virus và vi khuẩn.
Dấu hiệu nhận biết trẻ bị tiêu chảy do nhiễm khuẩn
Khi bị tiêu chảy do nhiễm khuẩn, trẻ thường có biểu hiện: Đi ngoài phân lỏng, nhiều nước; Trẻ bị tiêu chảy nhiều lần trong ngày, phân có mùi chua, phân nhầy, có máu nếu là lỵ; Trẻ nôn nhiều; Trẻ khát nên chỉ thích uống nước; Biếng ăn…
Trong trường hợp trẻ bị mất nước sẽ có dấu hiệu: Khát nước, mắt trũng, khô, khóc thấy ít nước mắt; môi khô, miệng khô: véo da thấy mất nếp chậm do da khô ít đàn hồi; thóp lõm, chân tay lạnh, mạch nhanh và yếu, thở nhanh… Nếu không được xử trí và điều trị kịp thời, sẽ để lại nhiều biến chứng nghiêm trọng.
Cách xử trí và chăm sóc trẻ bị tiêu chảy do nhiễm khuẩn
Bù nước và điện giải
Trẻ bị tiêu chảy cấp cần được ưu tiên bù nước và điện giải ngay tại nhà bằng oresol thẩm thấu. Nên dùng oresol dạng gói có nồng độ theo đúng tiêu chuẩn. Loại oresol này giúp giảm khối lượng phân bài tiết 30%, giúp trẻ hạn chế nôn 20%, giảm 30% tỷ lệ truyền tĩnh mạch, giảm thời gian tiêu chảy và không gây biến chứng hạ natri máu.
Cách dùng: Trẻ dưới 2 tuổi uống 50ml sau mỗi lần đi ngoài; 2-10 tuổi uống 100-200ml; trên 10 tuổi uống tới khi hết khát.
Bổ sung kẽm
Tiêu chảy làm trẻ mất kẽm, nên bổ sung kẽm khi bị tiêu chảy giúp thúc đẩy nhanh lành tế bào niêm mạc ruột, giúp trẻ tăng cường miễn dịch và nhanh khỏi bệnh.
Bổ sung men vi sinh
Cung cấp men vi sinh giúp củng cố sự vững bền, sức đề kháng của hàng rào niêm mạc ruột và đẩy các vi khuẩn gây bệnh ra ngoài.
Bổ sung men tiêu hoá
Bổ sung men tiêu hoá (lactozym, neopeptine...) để trẻ có thêm enzyme tiêu hoá, giúp trẻ tiêu hoá và hấp thu dinh dưỡng tốt hơn.
Cha mẹ cần lưu ý: Không được dùng kháng sinh khi trẻ không tiêu chảy kèm có máu. Không được sử dụng thuốc cầm tiêu chảy vì sẽ càng gây tích tụ độc tố và vi khuẩn tại ruột, khiến bệnh nặng hơn.
Nguồn: Báo Sức khỏe và Đời sống