Chướng bụng đầy hơi: Nguyên nhân, triệu chứng và phòng ngừa

Chướng bụng đầy hơi là tình trạng thường gặp do hoạt động tiêu hóa bị rối loạn với cảm giác căng tức, khó chịu do tăng áp lực vùng bụng. Triệu chứng tiến triển từ trung bình đến nặng, đôi khi là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý nguy hiểm. Do đó, trong mọi trường hợp, việc theo dõi, thăm khám để điều trị và kiểm soát kịp thời là vô cùng cần thiết.

Nguyên nhân

Nguyên nhân phổ biến nhất gây chướng bụng là do hơi tích tụ trong dạ dày (thực phẩm, đồ uống có gas, nhiễm trùng dạ dày, bệnh mãn tính). Các triệu chứng đi kèm như ợ hơi thường xuyên; đi đại tiện đột ngột; chóng mặt. 

Chứng khó tiêu gây chướng bụng đầy hơi là do ăn quá nhiều, uống nhiều rượu, dùng thuốc gây kích ứng dạ dày (chẳng hạn như ibuprofen),  nhiễm trùng dạ dày ở mức độ nhẹ. 

Nhiễm trùng dạ dày cũng có thể gây đầy hơi. Nguyên nhân chủ yếu là do hoạt động của vi khuẩn Escherichia coli, Helicobacter pylori hoặc virus norovirus, rotavirus… Triệu chứng cũng thường có xu hướng thuyên giảm sau vài ngày. Tuy nhiên, một số dấu hiệu nguy hiểm cần liên hệ bác sĩ như đầy hơi kèm nôn mửa, phân có máu, sốt cao.

Ngoài ra, việc ăn nhiều thức ăn quá mặn, thức ăn không đủ dinh dưỡng gây táo bón; không dung nạp thức ăn; các bệnh lý như Bệnh Crohn, Hội chứng ruột kích thích, Liệt dạ dày… cũng là những nguyên nhân khiến chướng bụng đầy hơi.

Triệu chứng

Một số triệu chứng dễ nhận thấy khi bị chướng bụng đầy hơi gồm: Cảm giác căng tức, đau, khó chịu ở vùng bụng; Bụng sưng to, xì hơi nhiều hơn bình thường, phát ra tiếng kêu bất thường.

Cách phòng ngừa

Chứng đầy hơi chướng bụng có thể được điều trị hiệu quả tại nhà bằng cách thay đổi lối sống và chế độ ăn uống:

  • Uống nhiều nước
  • Giảm hàm lượng Natri trong chế độ ăn uống

  • Ngưng ăn thực phẩm gây đầy hơi
  • Ăn chậm nhai kỹ
  • Tập thể dục thường xuyên
  • Hoặc sử dụng các loại thực phẩm bổ sung Magie, thực phẩm giàu Probiotic, các loại trà thảo mộc cũng có thể giúp hệ tiêu hóa của bạn được hỗ trợ tốt nhất.

Đối với một số trường hợp nặng, nên đến thăm khám tại các cơ sở y tế để được bác sĩ đưa ra hướng điều trị phù hợp.

Nguồn: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh