62% dân số thế giới gặp các bệnh về tiêu hóa

Theo các nghiên cứu thống kê, có đến 40% dân số thế giới bị các vấn đề mãn tính về đường tiêu hóa, và có đến 62% dân số đang gặp phải các vấn đề liên quan đến sức khỏe tiêu hóa phổ biến như đau dạ dày, khó tiêu…Tuy nhiên, ở Việt Nam, vấn đề sức khỏe hệ tiêu hóa chưa được người dân chú trọng đúng mức trong đời sống sinh hoạt hằng ngày. 

Có rất nhiều yếu tố đóng góp vào sức khỏe của hệ miễn dịch bao gồm: tuổi, giới, bộ gen, môi trường sống, thói quen sinh hoạt... Trong đó, dinh dưỡng là yếu tố quan trọng nhất. 

Nếu coi hệ miễn dịch như một “thành trì”, thì dinh dưỡng chính là nguyên liệu xây nên thành trì đó thông qua các đa chất gồm protein, lipid, carbohydrate là các viên gạch tạo nên thành phần hệ miễn dịch như kháng thể, cytokine, thụ thể... Bên cạnh đó, các vitamin và khoáng chất là những mắt xích mấu chốt và các chất truyền tin giữ cho hàng rào luôn kết nối vững vàng.

TTND.GS.TS Lê Danh Tuyên - Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: Trong cả cuộc đời của mỗi người sử dụng hết khoảng 144 tấn lương thực và thực phẩm, đều qua đường tiêu hoá. Những con số trên cho thấy tầm quan trọng của sức khoẻ tiêu hoá, thế nhưng, nhiều người vẫn coi thường nó khi sử dụng rượu, bia, ăn uống không kiểm soát...Không chỉ giúp tạo năng lượng cho cơ thể, hệ thống tiêu hóa còn đóng vai trò rất quan trọng hỗ trợ chức năng miễn dịch, bởi 70% hệ miễn dịch biểu mô của chúng ta nằm ở đây. Do đó có thể nói, hệ tiêu hóa khỏe mạnh là hệ tiêu hóa được hỗ trợ bởi hệ miễn dịch mạnh mẽ, bảo vệ cơ thể trước các tấn công liên tục từ tác nhân gây bệnh trong thức ăn. Đây là chìa khóa giúp phòng tránh bệnh tật. 

Điều đáng nói là dù có vai trò quan trọng với sức khỏe toàn cơ thể, nhưng việc chăm sóc hệ tiêu hóa lại không quá khó khăn. Các chuyên gia cho rằng, chỉ cần chúng ta ăn uống đầy đủ 4 chất bột đường, đạm, béo, vitamin-khoáng chất, đồng thời thường xuyên bổ sung lợi khuẩn vào hệ vi sinh đường ruột sẽ mang lại cho bạn một hệ thống tiêu hóa khỏe mạnh.

Nguồn: Báo Nhân Dân
Sở Y tế Hà Nội