Cuộc sống bận rộn hàng ngày khiến không ít người kết bạn với các loại thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, nhiều đường, giàu chất béo, ít chất xơ cùng với thói quen ăn vội vã, thất thường, uống nhiều rượu bia và tiếp xúc với thực phẩm bẩn… tạo điều kiện cho hại khuẩn có cơ hội sinh sôi nảy nở.
Chế độ ăn uống, dinh dưỡng và lối sống hàng ngày ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của hệ tiêu hóa. Bác sĩ Vũ Trường Khanh - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết, rối loạn tiêu hóa không phải là một bệnh lý đơn thuần mà là hậu quả của nhiều bệnh khác gây ra. Rối loạn tiêu hóa cũng có trường hợp không phải do bệnh lý mà từ lối sống, chế độ ăn uống chưa lành mạnh...
Hiện nay trên thị trường tràn lan các loại thực phẩm bẩn, từ thực phẩm tươi sống đến thực phẩm khô, thực phẩm đông lạnh. Nếu người tiêu dùng không nhận biết được, và sử dụng các thực phẩm không có nguồn gốc rõ ràng, thì rất dễ dẫn đến các các bệnh về đường tiêu hóa như tiêu chảy, đau bụng, bệnh nhiễm khuẩn đường ruột, và cuối cùng gây nên tình trạng rối loạn tiêu hóa. Các nghiên cứu đã chứng minh mối quan hệ rất chặt chẽ giữa chế độ ăn uống với sự đa dạng và cân bằng của cộng đồng vi khuẩn trong cơ thể con người. Vi khuẩn và các vi sinh vật khác trong ruột giúp cơ thể tiêu hóa thức ăn. Những vi khuẩn này cũng có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp cơ thể chống lại vi khuẩn có hại, nấm men và các vi khuẩn khác.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết có rất nhiều nguyên nhân khiến con người bị mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, bắt đầu từ thói quen ăn uống như: ăn nhiều thức ăn nhanh, nhiều chất béo, thói quen uống rượu bia, sử dụng kháng sinh bừa bãi sẽ tiêu diệt các loại vi khuẩn có ích trong đường ruột.
Khẩu phần ăn không cân bằng, thiếu chất xơ giúp cho hại khuẩn phát triển ảnh hưởng đến hệ vi sinh đường ruột. Bên cạnh đó, ăn thực phẩm không an toàn còn làm gia tăng nguy cơ đưa thêm hại khuẩn vào cơ thể. Khi ăn quá nhiều chất béo, chất đạm hoặc tinh bột, trong khi lại ăn ít rau củ quả, thì thức ăn không được tiêu hóa hết sẽ tồn đọng lâu trong ống tiêu hóa. Ăn đồ cay nóng, uống nhiều rượu bia, cà phê, sử dụng chất kích thích hoặc do thói quen ăn uống quá nhanh, nhai không kỹ, ăn xong đi nằm ngay... sẽ khiến lợi khuẩn đường ruột bị quá tải, không xử lý được hết thức ăn, gây chứng đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu…Ăn không đúng bữa, ăn thức ăn để lâu ngày sẽ dẫn đến tình trạng đầy hơi, trướng bụng, ọc ạch khó chịu. Ngoài ra, ở một số người có thói quen ăn quá nhanh, vừa ăn vừa làm việc, xem tivi, ăn quá nhiều gia vị cũng có thể gây ra tình trạng rối loạn tiêu hóa.
Bên cạnh đó, những thói quen xấu trong sinh hoạt hằng ngày cũng ảnh hưởng khá nhiều tới sự cân bằng của các vi sinh vật đường ruột. Nhịn đi vệ sinh, ăn khuya, áp lực công việc, sinh hoạt không điều độ là những nguyên nhân gây ảnh hưởng tiêu hóa. Các chuyên gia y tế đều cho rằng, nhịp sống hiện đại đang trở thành một trong những yếu tố khiến cho nhiều người dễ dàng mắc phải các bệnh lý về đường tiêu hóa. Tiêu hoá gặp rắc rối không chỉ gây ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe mà còn làm giảm sút chất lượng công việc, sinh hoạt mà còn khiến sức khỏe tổng quát của cơ thể cũng dễ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Nếu bạn hay thức đêm, hay mất ngủ, ngủ không đều hay giấc ngủ có chất lượng kém thì sẽ làm tăng nguy cơ mắc phải tình trạng viêm nhiễm. Chính vì vậy, hãy đảm bảo ngủ đủ giấc, ngủ đúng giờ và điều chỉnh để có một giấc ngủ chất lượng tốt.
Đối với trẻ nhỏ, chế độ dinh dưỡng và cách nuôi dạy trẻ cũng là yếu tố quyết định đến sự đa dạng hệ vi sinh vật trong đường ruột của trẻ. Với trẻ còn đang bú mẹ, Bifidobacteria chiếm khoảng từ 75-90% trên tổng số lượng vi sinh đường ruột, Lactobacilli và Bacteroides nhân lên với số lượng ít đi và Enterobacteria giảm mạnh. Ở trẻ ăn sữa bột công thức thì hệ vi sinh đường ruột chủ yếu là các vi sinh vật như Bacteroides, Bifidobacteria, Coliforms. Khi trẻ lớn dần lên thì hệ vi sinh đường ruột giống với người lớn là Bacteroides, Veillonella, và Fusobacterium.
Để cải thiện hệ vi sinh đường ruột, cần có chế độ ăn cân bằng với 4 nhóm thực phẩm như: chất đạm, đường bột, chất béo, vitamin và khoáng chất. Cụ thể, với người lớn nên ăn ít nhất 400g rau xanh/1 người/1 ngày. Ngoài ra, có thể bổ sung các chế phẩm lên men từ rau xanh như kim chi, cà, dưa muối có nhiều lợi khuẩn, các chế phẩm từ sữa lên men như sữa chua, hoặc men vi sinh sẽ giúp tăng cường hệ vi sinh đường ruột.